Con đường hồi giáo review sách
Categories: Sách hay nên đọc

Review sách Con đường hồi giáo – Phương Mai

“Con đường Hồi Giáo” KHÔNG PHẢI là cuốn sách nói hoàn toàn về tôn giáo. Cuốn sách được viết lại bằng trải nghiệm của tác giả khi du lịch bụi qua các quốc gia vùng Trung Đông & Châu Âu (Saudi, Dubai, Oman, Yemen, Li Băng, Syria, Jordan, Palestine, Ai Cập, Libya, Tunisia, Ma Rốc, Tây Ban Nha).
Con đường Hồi Giáo ghi lại quá trình từ lúc tác giả chật vật xin visa cho tới khi bước chân được đến sân bay ở Saudi cho tới đất nước cuối cùng là Tây Ban Nha. Cuốn sách thực sự cho mình thêm hiểu biết về Hồi Giáo, sự ra đời của Do thái giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo và đặc biệt là Trung Đông, nơi mà chúng ta vẫn nghe về sự giàu có ở Saudi, Dubai, nội chiến khói lửa ở Syria, giao tranh ở miền đất hứa – Palestine & Israel, mùa xuân Ả Rập …nhưng thực sự thì cuộc sống ở nơi đó ra sao? Ngoài chiến tranh khói lửa, cuộc sống người dân sẽ diễn ra như thế nào?
Bên cạnh đó, mình cũng khá bất ngờ về các hủ tục tôn giáo áp dụng cho phụ nữ ở Saudi (Ả Rập). (tại thời điểm cuốn sách xuất bản 2014)
“Họ cần giấy phép của đàn ông để đi học, đi làm, đi bệnh viện, mở tài khoản, đi du lịch, thậm chí đi ra ngoài đường là phải có đàn ông trong gia đình đi theo. Saudi là quốc gia cuối cùng phụ nữ vẫn chưa có quyền đi bầu cử vì các thầy tu cho rằng trách nhiệm của phụ nữ là chăm lo gia đình, không được lái xe vì vô số lý do, trong đó lý do mới nhất là khoa học đã chứng minh ngồi sau tay lái có hại cho…e hèm…tử cung.” (Trích Tr 47)
“Nếu có biến cố như lạm dụng tình dục xảy ra thì phụ nữ luôn là người cùng chịu tội vì đã dám ngồi cùng xe với người nam không quen biết. Năm 2009, một phụ nữ 23 tuổi đã bị hãm hiếp tập thể và có thai. Cô bị phạt một năm tù và chịu đánh 100 roi sau khi sinh con.” (Trích Tr 48)
Trong cuốn sách này, tác giả có nêu quan điểm rằng mình ghét Dubai là do sự hào nhoáng ở đây được tạo dựng bởi bàn tay của các công nhân từ các quốc gia thế giới thứ ba nghèo đói, và khối óc của các doanh nghiệp trí thức Châu Âu. Tác giả cho rằng ở Dubai:
“Người ta giàu có đến mức thui chột cả tham vọng và hoài bão. Vì cố gắng học hành lên cao làm gì khi một cái bằng vớ vẩn hoặc môt công việc tầm thường cũng có thể lấp đầy chục nghìn đô mỗi tháng. Với 95% dân số Dubai là người ngoại quốc, thật không ngoa khi nói rằng mỗi người dân của tiểu vương quốc này đang bị xé ra làm hai: một nửa đầy tự hào và kiêu ngạo về một Dubai sáng choang giữa lòng sa mạc, nửa kia ngậm ngùi quặn thắt vì chính họ cũng hiểu rằng mình đã MUA một Dubai hào nhoáng chứ không phải đã XÂY một tiểu vương quốc rực rỡ bằng công sức và tài trí của chính mình.” (Trích Tr 62-63)
Ngoài Saudi, Dubai (hay tác giả còn gọi là Do-buy, mua sắm đi) thì chúng ta còn được biết đến Oman – nơi có vị vua độc tài đức độ, nơi đàn ông có nhiệm vụ đi chợ. Yemen với văn hoá súng ống, hầu như ai cũng có dao hay súng đem theo người, món quà đầu tiên của người cha dành cho con trai mới sinh cũng là…súng. Ai Cập, nơi có Kim tự tháp Giza huyền thoại nhưng cũng lại được mệnh danh là “thủ đô của lũ cò quấy nhiễu”. Ngoài ra thì còn ti tỉ chi tiết thông tin hay ho thú vị nữa, các bạn hãy đọc để tự trải nghiệm nhé.
Nhìn chung đây là một cuốn sách đáng đọc, như kiểu mở ra một chân trời mới cho mình vậy. Vì trước giờ lần nào cũng xem đội tuyển Việt Nam đá bóng nhưng còn chả biết Saudi là nước nào, Jordan ở đâu, Châu Âu hay Châu Á. Nhưng có một điều là với những ai ko có kiến thức nền về Trung Đông (giống mình) thì có lẽ 1/3 cuối cuốn sách này có thể cảm thấy mệt. Nhưng ko sao, vừa đọc vừa google vẫn okela.