Review sách Dì Rumphius
Categories: Sách hay nên đọc

Review sách Dì Rumphius – để niềm vui sống không bao giờ cạn

Những hạt giống của dì Rumphius
Hôm nay mình đọc xong một quyển sách hay và đẹp, nên có cảm xúc ngồi viết vài dòng review.
Quyển sách mình đọc có tên là “Dì Rumphius”, đây là bản dịch tiếng Việt của một tác phẩm khá nổi tiếng ở Mỹ tên là Miss Rumphius. Quyển sách này được sáng tác năm 1982, tức là gần 40 năm trước, đạt giải National Book Award for Children’s Books (dịch nôm na là Giải thưởng Quốc gia dành cho sách thiếu nhi), và đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng 100 quyển sách cần đọc cho trẻ em (theo xếp hạng của School Library Journal – một tạp chí có uy tín cho các trường học).
Bản thân quyển sách này cũng giống như một lời tuyên ngôn của tác giả về quan niệm sống của mình trên đời. Có người còn xem tác phẩm Rumphius như một tự truyện mà Barbara Coonney thuật lại về những năm tháng thú vị sôi động trong đời mình. Dì Rumphius lớn lên ở một thành phố cảng nhỏ, trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Ông và cha của dì đều là những người làm đẹp cho cuộc đời bằng những tác phẩm hội họa, điêu khắc. Đến lượt dì Rumphius lớn lên, dì cũng tiếp nối con đường đó theo một cách rất riêng. Cuộc đời dì Rumphius trưởng thành có thể xem như chia thành 3 giai đoạn:
a. Khi làm thủ thư tại một thư viện
b. Khi chu du vòng quanh thế giới
c. Khi về già, quay về sống ven bờ biển
Ở giai đoạn nào đi nữa thì cách sống của nhân vật này cũng rất nhất quán: gieo đi những hạt giống tốt đẹp để chúng tiếp tục nảy nở muôn đời sau. Khi làm việc ở thư viện, dì Rumphius vừa chia sẻ kiến thức vừa ươm lớn trong mình những niềm khao khát những chuyến đi xa
“Ở đó, dì làm việc trong một thư viện, phủi bụi những cuốn sách, giữ chúng ngăn nắp đâu vào đấy và giúp mọi người tìm được tựa sách họ cần. Nơi ấy dì bắt gặp các trang sách viết về những vùng đất xa xăm thăm thẳm.”
Khi chu du vòng quanh thế giới, dì Rumphius tiếp tục gieo những hạt mầm của lòng ham hiểu biết, nhân ái, hòa đồng nhũn nhặn. Chính những hạt mầm ấy làm nảy nở ra tình bạn đáng trân quý của dì với những người dân đảo bản xứ.
“Trước khi rời đi, gia đình Bapa còn tặng cho dì một vỏ xà cừ đẹp tuyệt trần, trên đó ông đã vẽ một chú chim thiên đường cùng dòng chữ “Hình bóng cô sẽ còn lưu lại mãi trong trái tim chúng tôi.”
Và cuối cùng, khi dì Rumphius dành những năm tháng cuối đời bên bờ biển, dì đã gieo những hạt giống hữu hình xuống mảnh đất ấy, để chúng trở thành những vạt hoa đậu tươi đẹp cho khắp vùng thôn quê này. Nhưng hạt giống quan trọng nhất, chính là bản thân dì Rumphius. Giống như cách ông đã ươm mầm cho dì năm xưa, dì tiếp tục trao truyền hạt mầm ấy cho cô cháu gái của mình.
Một cách đầy nghịch lý, dì Rumphius chưa từng lập gia đình và có con cái, nhưng dì để lại một di sản sẽ còn tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác: tinh thần ham sống, say mê với cuộc đời, truyền cảm hứng và vượt qua hết thảy sợi hãi, định kiến xã hội.
Có một bức tranh rất ấn tượng với mình, đó là hình ảnh dì Rumphius đã già, đứng cô độc nơi bao lơn một căn nhà nhìn ra vịnh biển. Cảnh vật đẹp đến nao lòng và cũng đồng thời khắc họa được sự cô đơn của người phụ nữ ấy, vì bà đã chọn sống một cuộc đời rất khác biệt, nhất là trong thời đại của bà. Khi dì Rumphius đi gieo những hạt giống hoa ở khắp các nẻo đường, công việc và cũng có lẽ là cả cuộc đời trước đây của dì cũng không được những người cùng thời nhìn nhận đúng đắn: “Giờ thì người ta bắt đầu gọi dì là bà cô già lẩn thẩn”
Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả Barbara muốn để lại cho lứa độc giả của mình. Điều nầy cũng rất đúng với quan điểm sáng tác của bà, vì bà từng nêu lên rằng văn học cần giúp cho độc giả hiểu đúng bản chất và định hình được thế giới quan cũng như di sản văn hóa mà mình được thừa hưởng. Câu chuyện mà Barbara Cooney viết ra không hoàn toàn được nhúng trong một lớp sơn hồng ngọt ngào, mà khi ta đọc giữa những dòng chữ, dẫu cho tác giả không trực tiếp viết ra, ta vẫn có thể nhìn thấy được những điểm tối, trầm sâu của cuộc đời nhân vật. Và chính điều đó làm cho câu chuyện được phủ thêm một lớp trầm tích sâu lắng, thêm chân thật và chân thành với cả độc giả lẫn cuộc đời.
Chúng ta cần thêm nhiều câu chuyện tinh tế, sắc màu đa dạng như vậy nữa, để tiếp tục gieo những hạt mầm vào lòng người đọc.
Để cuộc đời tiếp tục nở hoa.
Để niềm vui sống không bao giờ cạn.