bo da tung yeiu
Categories: Văn học nước ngoài

BỐ ĐÃ TỪNG YÊU

Một buổi chiều tháng 10/2021, tôi được tung tăng ra đường sau giãn cách xã hội, công việc đã xong và thời gian còn lại được tùy nghi sử dụng. Thay vì dạo ra đường sách Nguyễn Văn Bình thì ghé vào quán quen, gọi một bình trà thảo mộc (cô chủ quán dễ thương còn cẩn thận nói: trà này không làm mất ngủ đâu). Mấy tháng giãn cách phủ bụi lên mọi thứ, gồm cả sách trên những kệ lớn ở đây. Tôi đi một lượt dọc kệ sách và theo cảm tính rút ra năm cuốn, trong đó có Bố đã từng yêu, cũng vì cái tựa. Quán yên tĩnh chỉ có 2 người là tôi và cô chủ. Tôi tỉ mẩn lôi khăn ướt, khăn giấy ra lau sạch bụi mấy cuốn sách, ngồi 2 tiếng đọc qua 10-15 trang đầu của những cuốn đã chọn, sau đó đọc tiếp Bố đã từng yêu.
Kể ra thì hình như nữ tác giả Anna Gavalda được biết nhiều hơn qua tập truyện ngắn Giá đâu đó có người đợi tôi và được tái bản nhiều lần. Với tôi thì đây lần đầu đọc sách của tác giả này và thấy trải nghiệm với Bố đã từng yêu khá tốt. Bà khai thác góc nhìn và dẫn dắt, phân tích tâm lý của đàn ông khá thấu đáo.
Bối cảnh là một người đàn ông bỏ nhà, bỏ vợ con ra đi, còn bố anh ta thì bắt đầu một cuộc trò chuyện với con dâu, không phải an ủi vỗ về mà chỉ đơn giản là trò chuyện. Tác giả không dẫn dắt hoa lá cành, mỹ miều hay triết lý thâm sâu mà chuyển tải câu chuyện vô cùng khúc chiết, giản dị nhưng hiệu quả và trực diện. Tuy thế vẫn khiến độc giả tự suy ngẫm và đôi lúc thử tự vấn mình.
bo da tung yeiu
Bố đã từng yêu là một câu chuyện tương đối nhẹ nhàng, một lần nữa nhắn gửi rằng mỗi người đều có một câu chuyện cuộc đời riêng và đừng nuôi thành kiến, lựa chọn của ta trong hoàn cảnh của ta không thể nào áp dụng với ai khác, giả định “nếu tôi là bạn, tôi sẽ/đã….” trong đa số trường hợp, là một giả định sai. Chỉ cần ai có can đảm lựa chọn, cho dù nhiều khi chẳng dễ dàng gì, họ chứ không phải ai khác sẽ là người trải nghiệm và đón nhận kết cục. Khó khăn và thách thức không phải chỉ dành cho người ở lại, người ra đi cũng đứng trước những điều tương tự. Nếu quay về, thì ít ra họ cũng đã biết ra đi không phải là con đường của mình. (Làm tôi không khỏi nghĩ tới Đứa con đi hoang trở về của nhà văn André Gide).
Ông Bố không bao biện cũng không thanh minh gì cho con trai, ông chỉ mở lòng và chia sẻ với con dâu câu chuyện của riêng mình, với đầy đủ những cảm xúc và ham muốn, những ray rứt và cả những tiếng thở dài, nhưng để truyền đạt rằng: Bố đã từng yêu, từng ra đi và từng quay về rồi khép kín lòng mình như thế, nhưng kể cả có như vậy, bố chẳng ngăn cản, khích lệ hay phán xét ai ra đi với con đường của họ, còn con, con có lựa chọn và cuộc sống của người ở lại, dĩ nhiên cần không ít can đảm và nỗ lực.
Và thêm nữa là những ông Bố ít nói không hẳn là những người thờ ơ, khó gần gũi và không biết lắng nghe đâu nhé, thậm chí các ông dành rất nhiều sự quan tâm, lo lắng cho bạn mà đôi khi biểu hiện bằng một ngôn ngữ riêng đến từ….sao Hỏa.